Cả đời lão “phù thủy” bartender (pha chế) Nguyễn Xuân Ra (Đà Nẵng) gắn với rượu. Giấc mơ chế biến cocktail từ các loại rượu và trái cây Việt Nam của ông đến cuối đời mới thành hiện thực.
Chuyện đời người, đời rượu
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Xuân Ra năm nay đã 91 tuổi, trú tại 37 Ngô Gia Tự, Đà Nẵng. Hôm tôi đến, lão đang bệnh nặng. Nhưng khi nghe thưa chuyện pha chế rượu, mắt lão sáng lên và ngồi bật dậy như chưa hề ốm đau gì. Câu chuyện đời người, đời rượu của lão hiện về. “Tui sinh năm 1920 tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Năm 12 tuổi vô Sài Gòn sống nhờ người chú. Để có tiền trang trải việc học, ông chú xin cho tui chân chạy bàn trong một nhà hàng người Pháp” – ông Ra nhớ lại. Từ một cậu bé chạy bàn, Ra bắt đầu làm quen với pha chế cocktail mà người phương Tây thường uống. Sau đó không lâu, loại thức uống mà ông pha chế trở thành niềm đam mê và cái nghiệp đeo bám cả đời ông như một cái nghiệp.
Năm 1945, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chàng thanh niên 26 tuổi Nguyễn Xuân Ra lên đường tòng quân đánh Pháp trong chi đội Phan Đình Phùng, Trung đoàn 120, rồi làm Trưởng ban Tình báo mặt trận An Khê. Đến năm 1975, ông làm chủ xưởng thuốc là Hoa Mai ở Nha Trang, đại diện các xưởng thuốc lá ở miền Trung, đồng thời là ký giả nhật báo Lẽ Sống; chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ nhật báo Độc Lập và làm chủ nhân nhà in Liên Phong (Quy Nhơn).
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về làm Hiệu trưởng Trường Cơ khí Công nhân 455 Cách mạng tháng Tám – TP.HCM. Nhưng nghiệp pha chế rượu vẫn đeo bám. Mãi đến năm 1996, ông xin nghỉ để hành nghề pha chế cocktail. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông tham gia giảng dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ, nghiệp vụ du lịch, các khóa đào tạo nghề cocktail cho các khách sạn, resort, bar,… trong và ngoài nước. Đến nay, sau hơn 30 năm sống chết với cocktail, khi đã ở tuổi 91, ông đã biên soạn 21 đầu sách về pha chế rượu. Nhiều lứa học trò gọi ông là “Đại lão phù thủy” cocktail Việt Nam.
Khát vọng đời người
“Đại lão phù thủy” bartender Việt Nam Nguyễn Xuân Ra tâm sự ông đã mãn nguyện khi tận tay chế biến những ly cocktail Việt, một loại thức uống tích tụ tinh túy của đất trời mà chính ông đã dày công nghiên cứu và sáng tạo, không thua kém bất kỳ loại cocktail nổi tiếng nào trên thế giới. “Từ trước đến nay, cocktail chỉ giành cho giới nhà giàu, giới thượng lưu sành điệu, trong những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng. Nhưng bây giờ, tất cả mọi người có thể thưởng thức loại thức uống hảo hạng này với mức giá bình dân, bởi nó được pha chế từ rượu và các loại trái cây Việt Nam” – ông Ra cho hay.
“Đó là nhờ nước mình có những loại rượu ngon nổi tiếng như Bàu Đá, Làng Chuồn,… và rượu đặc sản ở các vùng miền không thua kém bất kỳ loại rượu nào trên thế giới, lại có trái cây thơm ngon”.
Ông kể rành rọt hơn 10.000 loại cocktail nổi tiếng thế giới dành riêng cho từng thời điểm trong ngày và tùy những dịp khác nhau. “Để cocktail rẻ và trở nên bình dân hơn ở Việt Nam không có gì là khó. Tui đã ‘nội địa hóa’ các nguyên liệu pha chế nên giá thành mỗi ly chỉ còn khoảng ¼ so với trước đây ” – ông Ra tiết lộ.
Để có được ly coctail này, ông đã mất hơn 30 năm tìm tòi nghiên cứu. Chính tay ông và học trò của mình đã chế biến hàng trăm loại cocktail thơm ngon từ các loại rượu mùi “made in Vietnam”, như rượu dâu (thay trawberry Liquer), rượu cà-phê (thay Kahlua), rượu kem (Bailey’s), rượu bạc hà (Creme Menthe), rượu vỏ cam (Blue Curacao) và rượu trứng (thay Advocaat).
Mới đây nhất, để chào mừng vịnh Hạ Long được bầu chọn vào top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ông đã sáng tạo 2 loại cocktail mang tên “Kỳ quan Hạ Long” và “Hạ Long ngày nay”, giá chỉ 20.000 đồng/ly.
“Hiện đội ngũ bartender phục vụ trong các quán bar, nhà hàng, resort,… khu vực miền Trung tay nghề còn non. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức cocktail của thực khách ngày càng lớn, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho các em, qua đây có thể giúp các em thêm yêu nghề và hy vọng sẽ xuất hiện nhiều bartender giỏi” – ông kỳ vọng.
Lão “phù thủy” bartender Việt Nam cũng chính là người có ý tưởng và đứng ra tổ chức cuộc thi “Sáng tạo coctail dùng nguyên liệu Việt” mới đây tại Đà Nẵng. Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông đã cho ra đời 20 tác phẩm viết, 6 bộ DVD hướng dẫn nghiệp vụ bartender, cuốn từ điển 5.000 công thức pha chế cocktail.
Giáo trình đào tạo bartender cũng đã được xuất bản và chuyển cho Đại học Đông Á (Đà Nẵng) để giảng dạy. Ông đồng thời cũng chuyển giao không điều kiện công thức sản xuất chủng loại rượu mùi (Liqueur) để nhà trường tiếp tục đồng hành với ý tưởng, góp phần làm phong phú và đa dạng văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Nguồn chính: http://vietnamnet.vn